Chụp film: nên tiếp tục hay không?

QL17 GIII – Made in Japan

Hôm nay cuối tuần rãnh rỗi, lôi máy móc ra lau chùi. Thấy cuộn Kodak nằm sâu trong ngăn tủ mà ngậm ngùi. Bỗng chợt suy nghĩ: mình có nên tiếp tục chụp film nữa không? (Bài viết này hoàn toàn thể hiện quan điểm cá nhận về sở thích chụp film của bản thân chứ không dám lạm bàn đến quan điểm và sở thích của các film gia. Nên nếu có phát biểu gì không chuẩn xác, gây hiểu lầm thì xin mọi người lượng thứ.)

Cứ mỗi lần thấy tôi cầm cái QL17 GIII , Nikon FG20 hoặc Canon AE1 là anh Hai tôi lại nói: cái thằng thời nay chơi gì cái thứ này cho mệt, máy số hai ba cái chụp chưa đã sao ? Ngay cả ông Ngoại tôi từ lúc bắt đầu làm nghề ảnh cho đến lúc về hưu cũng chỉ biết mỗi máy film cũng ngạc nhiên vì sao phải đụng tới đống “ve chai” đó. Tôi chỉ biết chống chế: người ta còn chụp đầy ngoài kia. Mà đúng là hiện nay ở Sài Gòn và Hà Nội, phong trào chụp film nở rộ. Không chỉ người trung niên – từng tiếp xúc máy film từ trẻ – mà ngay cả các bạn trẻ (mới dậy thì) cũng săn lùng máy film để chụp. Ai không tin tôi sáng chủ nhật ra ngay công viên sát Nhà Thờ Đức Bà sẽ thấy nhiều bạn trẻ, cả nam lẫn nữ, ôm máy film khư  khư uống café (như một món trang sức). Lên forum vnphoto cũng thấy box film là nhộn nhịp nhất, chỉ sau box chân dung và mua bán :). Các film gia hỏi han chỗ nào mua film rẻ, chỗ nào scan film chất lượng và thậm chí lo lắng Kodak phá sản rồi, liệu còn chụp film được bao lâu nữa đây? Tóm lại là người chụp film còn vô số.

Vì sao vẫn chụp film trong thời đại kĩ thuật số ? Các film gia đưa ra nhiều lí do lắm.

1. Lí do đại trà và thực tiễn nhất là: RẺ. Phải đầu tư khoảng 1000 usd để có được bộ máy DSLR bằng anh bằng chị (mua mới). Trong khi chỉ cần 1 – 2 triệu VND là đã có máy film còn hoạt động tốt và bắt đầu sáng tác nghệ thuật được rồi. Nhưng nếu ngồi làm một phép tính kĩ lưỡng, ta sẽ thấy như sau. Qui đổi 1000 usd ra thành 21 triệu đồng, trừ đi 2 triệu (tiền máy film) thì còn 19 triệu đồng. Để 1 cuộn film ra đời tốn 120 ngàn đồng (trong đó: 50 ngàn mua film và 70 ngàn để tráng và scan thành file vào máy). Vậy: 19.000.000/120.000 = 158 cuộn film. Với film 36 kiểu, thì chỉ có được 5688 tấm ảnh và 2/3 trong số đó phải bỏ đi vì chụp hư hoặc chưa vừa ý về ánh sáng, khoảnh khắc. Trong khi máy ảnh DSLR có tuổi thọ màn chập từ 100.000 – 150.000 tấm ảnh cho dòng máy entry level. Nên chụp film KHÔNG RẺ. Nó chỉ giúp bạn “viêm màng túi” từ từ thay vì phải đầu tư một lúc một số tiền lớn.

2. Cũng có người quan điểm chụp film nó mới “nghệ”(nghệ sĩ), nó mới lãng mạn. Lí do này tôi thấy – xin lỗi – hơi nhảm. Nghệ sĩ quấn khăn cổ, đội nón len, đeo 2 -3 máy film, đi cả ngày xoay xoay, vặn vặn (không có lấy nét tự động) về nhà rửa hình không có tấm nào thì cũng thành lãng xẹt và lãng phí. Tôi thà làm “nghệ lẻ” cầm máy số đi chụp cho ra một tấm hình cho nó lành.

3. Những người lớn lên cùng máy film. Những người thích sưu tầm đồ cổ và trải nghiệm nhiều loại thiết bị. Tôi rất tôn trọng, khâm phục và ủng hộ những film gia thật sự này. Gìn giữ truyền thống là một phần trong việc xây dựng văn minh nhân loại. Các film gia này sưu tầm được nhiều chủng loại thiết bị, trải nghiệm chúng và cả mày mò sửa chửa. Với họ đó là đam mê thật sự, được gầy dựng và duy trì cả đời. Đáng quí biết bao.

Soi bóng chùa Cầu – Hội An

Tôi cũng tham gia chụp film. Ý nghĩa đầu tiên đến trong đầu chỉ là muốn níu giữ quá khứ, nhớ lại kỉ niệm của gia đình. Dần dần, tôi nhận ra việc chụp film giúp tôi học kĩ thuật căn bản nhiếp ảnh tốt hơn. Có 3 thứ phải phụ thuộc vào thiết bị đó là điều chỉnh thông số ISO, tốc độ và khẩu độ. Trên máy KTS thì dễ ợt, cài đặt, bấm máy, xem lại. Nếu thấy tối hay sáng thì điều chỉnh. Điều này khiến gần như đầu óc không suy nghĩ, thiếu kĩ thuật và kiến thức căn bản đồng thời tạo nên thói quen cẩu thả. Chụp film dạy cho tôi cẩn thận với từng tấm ảnh, suy nghĩ lâu hơn trước khi chụp. Vận dụng kiến thức nhiếp ảnh và kĩ thuật cơ bản trong việc đo sáng, cài đặt máy, sắp xếp bố cục, sắp đặt chủ thể v.v.. Nhưng giờ đây, trên tất cả, chụp film cho tôi cảm giác như “lần hẹn hò đầu tiên”. Nói cách khác, tôi được tham gia nhiều hơn, sâu sắc hơn trong quá trình tạo nên bức ảnh. Hãy tưởng tượng, với chiếc máy film trên tay, bạn đi vào môt không gian nào đó và ngồi lặng lẽ chờ đợi, bạn quan sát và chọn khung cảnh, thời khắc thích hợp. Bạn canh chỉnh, đắn đo rồi quyết định bấm máy. Chỉ có 1-2 tiếng màn chập khẽ khàng thôi (không có xoạch xoạch như KTS). Và sau đó là hồi hộp, không biết ảnh sau khi rửa sẽ thế nào, có đủ sáng không, có đúng ý đồ mình không, có dư thừa hay thiếu gì không. Y hệt như lần đầu hẹn hò vậy đó.

Trong cuộc sống, có những việc mà hạnh phúc được mang đến khi bạn tham gia vào tiến trình của nó hơn là kết quả đạt được. Ví dụ như tự tay làm quà tặng hay đi tìm kiếm món quà ưng ý cho người mình yêu hạnh phúc hơn gọi điện thoại đặt một món quà sang trọng nhiều. Hay như tự hai người cùng chuẩn bị mọi thứ từ chọn lựa hình ảnh, quần áo, đặt thiệp cho tiệc cưới mang lại nhiều kỉ niệm và hạnh phúc hơn bỏ tiền cho những dịch vụ xa hoa mà bạn chỉ cần đứng vào đó trong hai tiếng của tiệc cưới. Tự mình tham gia xây nên căn nhà cho riêng mình cũng là trải nghiệm thú vị. Tương tự với những việc nhỏ hơn chăm sóc vườn hoa đợi đến kì trổ bông, chơi với con cái và thấy chúng lớn lên mỗi ngày, tất cả đều mang lại hạnh phúc sâu sắc và lâu dài. Và vì nhiếp ảnh cũng là một phần trong cuộc sống của tôi – cũng như những việc ví dụ trên đây, tham dự vào quá trình tạo nên bức ảnh khiến tôi hạnh phúc hơn, trải nghiệm nhiều hơn nên TÔI TIẾP TỤC CHỤP FILM.

Hội An – 2011

Singapore, March 10th 2012

Advertisement

9 thoughts on “Chụp film: nên tiếp tục hay không?

  1. Hi Huy, cam on Huy da chia se nhung dong suy nghi! No the hien rat sau sac tam hon, cach suy nghi va loi song cua 1Con Nguoi. Thanks again!

  2. Entry hay quá bác! Em chụp ảnh cốt là để giải trí, làm sao mình thấy relax là được, film hay số không quan trọng. Nhưng em vẫn thích những chiếc máy film có thiết kế đẹp, như một tác phẩm, và thích cảm giác “hẹn hò lần đầu” như của bác!.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.