
Tôi không phải là khán giả thường xuyên của phim truyền hình Việt. Lần cuối cùng tôi xem trọn một bộ phim truyền hình là “Đất Rừng Phương Nam” chắc do tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi in đậm trong tâm trí tôi từ trẻ thơ. Cũng đã rất nhiều lần bắt đầu xem thử một bộ phim Việt nhưng tôi từ bỏ ngay sau vài tập phim. Bởi đơn giản tôi chẳng đón nhận được một thông điệp hay bài học gì mới mẻ đọng lại trong lòng cả.
Tôi vừa vô tình xem liền một mạch phim truyền hình mới nhất của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng – phim “Vừa Đi Vừa Khóc”. Nói mới nhưng thật ra đã công chiếu từ đầu năm 2014 rồi. Tin rằng sẽ có nhiều lời ngợi khen giống như tôi, tôi thử tìm kiếm trên google. Bỏ qua những nhận xét vụn vặt, góp nhặt theo từng tập phim được chiếu, tôi chú ý đến hai bài đánh giá có phần kĩ lưỡng và chi tiết hơn như sau:
- Vũ Ngọc Đãng giậm chân tại chỗ với “Vừa Đi Vừa Khóc” (đăng ngày 03/04/2014, xem tại đây).
- “Vừa Đi Vừa Khóc” – vừa xem vừa ngán! (đăng ngày 12/04/2014, xem tại đây)
Lưu ý là cả hai đánh giá trên đều được viết sau khi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trả lời trên báo Thanh Niên những thắc mắc chung của khán giả sau khi phim được công chiếu được hơn nửa tháng. Có thể xem bài phóng vấn ở đây.
Tôi nghĩ rằng hai đánh giá trên là khắt khe và thiếu công bằng dành cho “Vừa Đi Vừa Khóc”. Bộ phim đã gửi gắm nhiều thông điệp mới, đẹp đẽ một cách nhẹ nhàng và ý tứ dễ khiến khán giả vội vàng bỏ qua. Kĩ thuật điện ảnh, bối cảnh dàn dựng, phục trang, âm nhạc đều cho thấy sự kĩ lưỡng, trau chuốt mà có lẽ lần đầu tôi thấy ở phim truyền hình Việt. Nếu phải đem ra so sánh với “Bỗng Dưng Muốn Khóc” thì đây là một sự tiến bộ lớn mà tôi tin là bước đệm để Vũ Ngọc Đãng và ê-kíp cho ra đời những tác phẩm tốt hơn nữa trong tương lai không xa.
Cốt truyện, nhân vật và diễn xuất
Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh bà nội và đứa “cháu trai” đích tôn Đông Dương trong xóm lao động nghèo ven sông. “Chàng trai” Đông Dương làm những việc lao động chân tay để mưu sinh. Nhờ bản tính hiền lành và chăm chỉ, Dương được cô gái tên Thêu si mê và yêu thương chân thành. Bà nội Dương mỗi ngày chỉ mong muốn cho anh và Thêu kết hôn để sinh thêm cho bà những đứa cháu trai nối dõi tông đường, để khỏi cảm thấy có lỗi với tổ tiên. Ai ngờ đâu chính tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đến cực đoan của bà nội khiến Dương – đứa con gái thứ 6 trong gia đình – phải mang thân phận con trai từ bé cho đến nay đã 21 năm. Sau khi cha me mất sớm, chỉ còn Dương và chị hai Chanh biết bí mật này với lời hứa “chỉ được sống thật với thân phận con gái khi bà nội đã mất”. Phía ngược lại, Hải Minh là con trai duy nhất lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của cha – do muốn bù đắp cho sự thiệt thòi thiếu vắng tình thương mẹ từ bé của cậu. Tuy được chìu chuộng và sống trong giàu có, Hải Minh vẫn là một chàng trai hiền lành, hiếu thảo, tốt bụng và đảm đương công việc giám đốc một cụm rạp chiếu phim. Cho đến một ngày, Hải Minh được biết mẹ mình còn sống và đi tìm mẹ. Minh và Dương trở thành bạn thân khi Dương giúp Minh trong quá trình đi tìm mẹ. Bên cạnh hai nhân vật chính, bộ phim còn vẽ nên một bức tranh cuộc sống chân thật và sống động với những mảnh đời trẻ-già, nghèo-giàu khác nhau của những nhân vật phụ nhưng mỗi người trong đó đều mang sắc thái độc đáo riêng biệt. Chi hai Chanh của Dương lam lũ, khổ vì chồng xay xỉn mà bà nội không cho phép bỏ chồng. Hai chị em mồ côi Thêu, Lụa đùm bọc nhau trong căn nhà rộn rã tiếng cười lạc quan của hai người trẻ yêu nghề thêu truyền thống của gia đình để lại. Chàng bán cá kiểng Trần Lố những tưởng si tình mù quáng nhưng lại là người chín chắn, tự tin, kiên định với tình yêu mình dành cho Thêu. Dì Hoa – mẹ của Minh – người phụ nữ đi mua ve chai để tìm chồng suốt hơn 20 năm, lầm lũi mỗi ngày đi về căn nhà trọ nghèo nàn trong sự dằn vặt, ăn năn vì trót lỡ bỏ rơi chồng và đứa con nhỏ của mình khi chồng lâm vào cảnh phá sản.
Đông Dương – do Minh Hằng thủ vai – là điểm sáng mang lại thành công cho bộ phim. Ai cũng hiểu rằng để đóng vai gái giả trai không hề là điều dễ dàng, chắc chắn không thể cứ mặc đồ nam, gồng mình lên gân cốt, ăn nói lớn tiếng, lao động nặng nhọc thì sẽ thành công. “Anh chàng” này vừa phải có cái chất cà tàng của con trai nhưng vẫn phải giữ được nét nữ tính kín đáo để người xem nhận ra hình ảnh nữ nhi trong thân phận éo le đó. Minh Hằng đảm bảo yếu tố cả ngoại hình lẫn diễn xuất. Chiếc răng cửa bị hở của Minh Hằng được khai thác triệt để, giúp cho nhân vật Dương nhìn nam tính hơn. Tôi nhận thấy diễn viên đã phải hi sinh nhiều để đóng vai này. Vì Dương phải làm việc ngoài nắng và nặng nhọc như: bốc gạch, xúc cát, khuân vác, leo trèo sửa chữa trên mái nhà. Những động tác lao động của Dương được Minh Hằng thể hiện thuần thục, không có sự qua loa, hình thức. Trong đối thoại, khi một chàng trai bối rối thì thường im lặng, lầm lì nhưng Dương khi bối rối lại cười thành tiếng “hì hì”, bẽn lẽn như con gái. Khi cần khóc thì lại khóc như con trai. Nhất là đoạn cuối cùng từ nhà Minh đi về, tuyệt vọng vì không dám cho Minh biết thân phận thật của mình, Dương lầm lì cắn răng và bật khóc tức tưởi, uất nghẹn bên bến sông. Và dứt ngay, không khóc lóc kêu than vì việc này nữa. Với tôi, Dương trong thân phận con trai còn “đẹp và nữ tính” hơn cả khi Dương đã quay trở lại với hình dạng con gái.
Hải Minh – do Lương Mạnh Hải đảm nhận – là nhân vật rất được đạo diễn “nuông chiều”. Xin nhấn mạnh, theo tôi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nuông chiều nhân vật Hải Minh chứ không phải diễn viên Lương Mạnh Hải như mọi người đánh giá. Thật vậy, Hải Minh được ưu ái từ thân phận xuất hiện cho đến những hướng đi giải quyết khúc mắc của câu chuyện. Khi biết mẹ mình còn sống, anh tìm ra mẹ dễ quá. Anh có được tình yêu cũng dễ quá. Ngay cả thân phận nữ giới của Đông Dương cũng không được tự mình định đoạt thổ lộ mà phải đợi đến lúc Hải Minh “chín mùi” tình cảm với một chàng trai. Chính vì sự ưu ái đó mà khán giả khắt khe hơn với Lương Mạnh Hải chăng? Tuy nhiên những đánh giá trái chiều nhắm vào giọng nói và sự không nam tính của diễn viên này là thiếu công bằng. Hải Minh phải xuất hiện trong hình ảnh một chàng trai thư sinh và có phần “mềm mại” một tí. Chính phần mềm mại này để bù trừ cho phần “mạnh mẽ” của Đông Dương. Và đáng ra nhờ sự mềm mại này mà Hải Minh tinh tế nhận ra Đông Dương là gái giả trai thì sự việc lại không diễn ra như vậy. Chỉ tiếc là Lương Mạnh Hải lạm dụng việc khóc quá. Phải chi anh cắt bớt một vài đoạn khóc nhường chỗ cho sự thẫn thờ cứng rắn thường có ở thanh niên thì đạt hơn. Tôi cũng không đồng tình với ý kiến nên lồng tiếng vai diễn của Mạnh Hải, vì cảm xúc bộc lộ qua cơ mặt khó mà đồng bộ được, giảm mất cái thật, cái duyên của phim. Mong rằng với những vai diễn sau này, anh bộc lộ được âm vực lúc giận dữ, lúc nhỏ nhẹ thủ thỉ chứ không bình bình, đều đều, êm êm như trong vai Hải Minh.
Không có gì phải bàn cãi về vai diễn Bà Nội của NSUT Lệ Thiện. Bà vào vai nhẹ nhàng và xuất sắc. Từ bà nội trong “Dù Gió Có Thổi” cho đến “Vừa Đi Vừa Khóc”, bà không làm khán giả thất vọng bao giờ. Điểm sáng cho diễn xuất của bà là về cuối phim, khi nhịp phim đột ngột nhanh và không cho bà thời gian để thích nghi với việc biết đứa cháu đích tôn bao lâu nay là con gái, NSUT Lê Thiện đã xử lí bằng cái gồng mình, giãy nảy như để rũ bỏ đi bao quan niệm cổ hủ, lạc hậu và bất hạnh mà mình đã vô tình áp đặt lên cháu mình.
Chi hai Chanh như được sinh ra là để dành cho Phương Thanh. Chị vào vai người chị cực nhọc mưu sinh, lại cực khổ chuyện chồng nghiện rượu bạo hành. Nhưng do là người duy nhất biết bí mật của Đông Dương, chị Chanh vận dụng hết những khả năng hạn hẹp của mình để chia sẻ và hướng dẫn em. Phương Thanh làm chị dễ thương lắm – qua cách thể hiện có phần “cục mịch nông dân”, ngắn gọn, xúc tích nhưng lại đầy cảm thông, khích lệ và yêu thương. Ta cũng cảm nhận được sự bất lực của người chị trong những lúc muốn giúp em nhưng vượt quá khả năng của mình.
Kế tiếp trong tuyến vai phụ thành công là hai chị em Thêu (Nhã Phương) và Lụa (Lan Ngọc). Nhã Phương cho thấy sự tiến bộ rất nhanh từ sau vai Vy trong “Xin Lỗi Anh Chỉ Là Thằng Bán Bánh Giò”. Cái bóng quá lớn của Nương trong “Cánh Đồng Bất Tận” không đè lên vai của Lan Ngọc. Những màn tung hứng của Thêu và Lụa mang lại tiếng cười rộn rã cho khán giả và sự ấm áp trong căn nhà chỉ có hai chị em. Lối diễn xuất tự nhiên, dí dỏm của hai diễn viên trẻ đã để lại nhiều ấn tượng và hứa hẹn một lớp diễn viên kế thừa giàu nội lực của điện ảnh Việt. La Quốc Hùng vào vai chàng bán cá kiểng Trần Lố đẹp trai và si tình. Tuy bị Thêu từ chối nhiều lần, nhưng Lố vẫn kiên trì theo đuổi. Không học diễn xuất nhưng La Quốc Hùng diễn tốt những màn độc thoại một mình, hoặc tâm sự với cá tạo thêm tiếng cười cho khán giả. Anh có những lúc ghen tuông hơi “lố” với Dương nhưng khi vô tình biết được Dương là gái giả trai, anh trở thành người bạn biết giữ lời hứa và còn nhiệt tình giúp đỡ Dương. Cuối cùng phải kể đến nghệ sĩ Thanh Thủy trong vai dì Hoa – mẹ của Hải Minh. Kinh nghiệm từ những vai diễn chính kịch nên không khó để Thanh Thủy lấy nước mắt khán giả trong vai người mẹ, người vợ tội nghiệp dày vò bản thân mình trước lỗi lầm với chồng và con.
Với dàn diễn viên hùng hậu và đồng đều qua các tuyến nhân vật, tôi nghĩ đó là nhân tố làm nên sự thành công của bộ phim. Trong hai bài báo ở trên đều đề cập đến sự nhàm chán khi sử dụng lại ê-kíp diễn viên quen mặt. Chúng ta lục tìm trong kho tàng điện ảnh thế giới để xem Marlon Brando đã biến nhân vật Bố Già Vito Corleone thành huyền thoại như thế nào hay chỉ để xem vẻ điển trai của ông. Tương tự, các bạn hãy mở tivi lên và xem một Đông Dương thú vị như thế nào hay xem Minh Hằng và Lương Mạnh Hải tiếp tục đứng bên nhau như thế nào. Bao giờ Vũ Ngọc Đãng và ê-kíp diễn viên của anh mang lại cho các bạn những nhân nhật chán phèo, nhợt nhạt, vô duyên lúc đó các bạn hãy lên tiếng. Chúng ta được quyền phán xét nhân vật và diễn xuất chứ không phải về việc tại sao các diễn viên lại xuất hiện liên tục cùng nhau trên màn ảnh nhỏ.
Dấu ấn của kĩ thuật điện ảnh trong “Vừa Đi Vừa Khóc”
Khi xem một vở kịch, khán giả nhìn toàn bộ sân khấu và diễn viên tại một vị trí và góc nhìn cố định. Nhưng với một bộ phim, kĩ thuật điện ảnh sẽ quyết định người xem thấy gì và thấy như thế nào – qua đó góp phần tác động đến cảm xúc của khán giả. So sánh với phim truyền hình Việt nói chung và “Bỗng Dưng Muốn Khóc” nói riêng, Vũ Ngọc Đãng và ê-kíp của anh cho thấy đã có những bước tiến rõ rệt trong kĩ thuật điện ảnh trong “Vừa Đi Vừa Khóc”.
Tôi thích frame chuyển cảnh (establishing shot) về nơi sinh sống của bà cháu Đông Dương. Góc quay rộng và cao – nhìn từ trên cầu xuống – tôi không chỉ thấy mái tôn của những căn nhà ọp ẹp trong xóm lao động nghèo ven sông, xa xa là trảng rừng nhỏ xanh thẳm mà còn tôi còn cảm nhận được sự nhỏ bé của những thân phận người đang sống ở đó. Tôi mường tượng được cảnh bao con người, sau một ngày lao động nặng nhọc, băng qua chiếc cầu để trở về nơi mình trú ngụ nhỏ bé, sơ sài và hiu hắt. Hơn một lần góc máy cao phát huy tác dụng. Cảnh con đường ven sông đầy ổ gà và quanh co – hiện lên lúc nắng gắt hay lúc mây vần vũ sắp mưa – nhìn từ trên cao cảm giác hun hút, dịu vợi. Bao phen mưu sinh, bao cuộc gặp gỡ diễn ra ở đây. Ngược lại, trong căn nhà của Dì Hoa – mẹ của Hải Minh – góc quay thấp được sử dụng để lột tả nỗi cơ đơn, quạnh hiu của người đàn bà hơn 20 năm cặm cụi tìm chồng con. Không thể quên cảnh quay người đàn bà trung niên ngồi đó lặng lẽ bên bữa cơm tối cô độc. Ngay góc nhà, con chó nhỏ – sinh vật duy nhất chia sẻ khoảnh khắc đó với bà – cũng đang ăn trong cái chén của nó. Xa xa ngoài cổng, đêm tối dần. Còn có nỗi cơ đơn nào hơn, còn có sự ăn năn, dằn vặt, đày đọa bản thân nào hơn nữa?
Tuy nhiên, nét sống động xuyên suốt bộ phim là những cảnh quay đối thoại của nhân vật. Phim trường là không gian mở, rộng lớn nhờ lấy bối cảnh thật trong xóm nhỏ ven sông. Ta có thể bắt gặp ở bất kì không gian nào những hình ảnh hết sức gần gũi với đời sống thật mà ta đã trải qua đâu đó trong cuộc đời mình. Thay vì sử dụng góc quay trung hoặc cận cảnh (medium or close-up shot) cho những mẩu đối thoại, bộ phim sử dụng nhiều góc quay rộng (full shot). Nhờ vậy, không chỉ có nhân vật, người xem còn chứng kiến những gì đang diễn ra xung quanh họ, có cảm giác như mình đang hiện diện trong khung cảnh đó và chứng kiến nhân vật đối thoại. Ví dụ: trong khi hai bà cháu Dương đang trò chuyện trong chái bếp thì con tàu nào đó chạy ngang, tiếng máy nổ chen vào lời nói hai bà cháu, xa xa trên cây cầu các loại phương tiện nối tiếp nhau qua lại…
Tóm lại, bối cảnh được dàn dựng tỉ mỉ, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và phục trang phù hợp, bộ phim đã khắc họa được những hình ảnh đời thường thực tiễn và sống động mà người Việt ta ai cũng có thể bắt gặp mình trong đó. Đã qua rồi cái thời phim Việt đầy ắp những sự cẩu thả. Đã đến lúc điện ảnh phải gần gũi với khán giả, phải thực tế và trau chuốt. Đến đây, tôi lại ngạc nhiên quá đỗi khi người ta so sánh và chẳng thấy gì mới từ “Bỗng Dưng Muốn Khóc” – bộ phim được dàn dựng lấy bối cảnh một ngôi nhà bỏ hoang.
Những thông điệp đẹp đẽ
Bộ phim khắc họa hình ảnh những con người già trẻ, giàu nghèo khác nhau nhưng tất cả đều lao động chăm chỉ, lương thiện và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Chúng ta đã từng bắt gặp những đức tính tốt đẹp này trong những nhân vật ở “Bỗng Dưng Muốn Khóc”. Không dừng ở đó, “Vừa Đi Vừa Khóc” còn truyền tải thêm những thông điệp mới và đẹp đẽ.
Có nhiều hình ảnh về việc làm từ thiện trong phim nhưng tôi thích hai quan điểm sau. Thứ nhất, lúc ông Tùng – ba của Hải Minh – đưa con đi gửi tiền cho những người duy trì thùng trà đá miễn phí. Ông nói: “Mình có tiền nhưng người ta có tâm mới làm được, bỏ tiền thì dễ bỏ công mới khó”. Ông trân trọng những đóng góp của người trực tiếp giúp mình làm việc tốt. Bởi ông hiểu rõ khi muốn giúp người khác cái tâm là quan trọng nhất, quan trọng hơn của cải cho đi. Thứ hai, khi Hải Minh đi làm từ thiện cùng cô bạn tên An. An kể rằng ba cô dạy: “Chúng ta nên cảm ơn những người đã đón nhận sự giúp đỡ của mình, nhờ họ mà chúng ta được làm người có ích”. Đó mới là quan điểm đúng đắn khi giúp đỡ người khác. Chúng ta phải cảm ơn họ, vì do hoàn cảnh của họ, họ phải đón nhận sự giúp đỡ của chúng ta. Nhờ vậy chúng ta mới có cơ hội làm người tốt. Chứ không phải đi làm từ thiện để được cảm ơn.
Hình ảnh đẹp khác đọng lại trong tôi là việc Hải Minh học và đi mua ve chai để hiểu rõ sự cực khổ của mẹ. Ngay trong phim, hành động này cũng tác động tích cực tức thì: sau khi gặp Minh về, An cũng lập tức trải nghiệm đời sống làm người nông dân trồng rau tại Đà Lạt. Chẳng gì có thể giúp ta hiểu được hoàn cảnh và nỗi khó nhọc của người khác bằng cách tự đặt mình thực tiễn trong chính hoàn cảnh đó. Và khi hiểu, chính xác hơn là trải qua những điều khó nhọc, ta sẽ dễ dàng chia sẻ và giúp đỡ người khác nhiều hơn. Hình ảnh này gieo cho tôi ý tưởng: tại sao tôi không thu xếp một năm để dành từ 5-7 ngày để trải nghiệm những việc mới mẻ và có ích cho người khác? Tôi không chắc mình có thể giúp được ai nhưng chắc chắn những việc đó sẽ giúp ích cho chính bản thân tôi rất nhiều.
Việc chọn căn biệt thự hai tầng lầu rộng rãi – với không gian thoáng đãng, bài trí hiện đại nhưng gần gũi và ấm áp – là nơi ở của cha con Hải Minh thay vì một căn nhà phố cao tầng đồ sộ, theo tôi nghĩ là chọn lựa đúng ý đồ của đạo diễn. Trong không gian đó, nhiều cuộc đối thoại giữa ông Tùng và Hải Minh đã diễn ra. Nhiều người nhận xét rằng những đoạn đối thoại giữa hai cha con là gượng ép và thiếu thực tế, chỉ có trong phim ảnh. Việt Nam và Châu Á nói chung, đối thoại cởi mở trong gia đình giữa cha mẹ và con cái chưa được xem là một điều bình thường và cần thiết. Chính nhờ đối thoại mà hai cha con ông Tùng và Hải Minh hiểu nhau hơn. Ông Tùng yêu thương con và đón nhận tất cả những chọn lựa làm cho con mình hạnh phúc, kể cả lúc Hải Minh quyết định đi “tỏ tình” với Đông Dương trong thân phận con trai. Đối thoại giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, nhờ vậy cảm thông và yêu thương nhau nhiều hơn. Tôi cho rằng cởi mở đối thoại và lắng nghe có thể giải quyết hết mọi rắc rối trong cuộc đời này. Ngay trong phim, nếu ông Tùng chịu một lần đối thoại với Dì Hoa, thì đã không xảy ra cảnh gia đình chia cắt hơn hai mươi năm. Đây cũng là một thông điệp đẹp của bộ phim.
Thay lời kết
Với tinh thần tôn trọng tác phẩm như là đứa con tinh thần của đạo diễn và ê-kíp, tôi đón nhận toàn bộ nội dung, nhân vật, cách xử lí tình huống và sáng tạo nghệ thuật điện ảnh. Tuy nhiên, tôi vẫn có những quan điểm của riêng mình đối với tác phẩm.
Bộ phim đã bắt đầu thật tuyệt, mở ra nhiều tình huống phong phú cho từng tuyến nhân vật thể hiện. Giá mà càng về cuối, bộ phim đừng quá gấp rút, để cho người xem thấy được những chuyển biến nội tâm phức tạp khi giải quyết các vấn đề khúc mắc đề ra từ đầu. Ví dụ: cần có chuyển biến cho bà nội Dương đón nhận sự thật mà với bà là quá đỗi phũ phàng, mẹ của Hải Minh quyết định quay lại tìm chồng con hay cách Hải Minh tìm ra sự thật Đông Dương là con gái. Tôi ước gì Vũ Ngọc Đãng đừng hoang phí hai “nụ hôn vỡ lòng” của Đông Dương khi “cưỡng ép” cô hôn Hải Minh trong thân phận con trai. Đông Dương hoàn toàn xứng đáng được sử dụng nụ hôn đầu đời của mình trong khung cảnh lãng mạng hơn. Nhưng có lẽ, đạo diễn muốn sử dụng cách xử lí này để gửi đến khán giả thông điệp khác. Hải Minh quyết tâm yêu Đông Dương cho dù đó là con trai. Thông điệp này đã bắt đầu từ một bộ phim khác của anh “Hot Boy Nổi Loạn”.
Chúng ta không có một bộ phim hoàn hảo nhưng đây là bộ phim chất lượng về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Vậy nên chúng ta hãy thưởng thức nó và rút ra nhưng bài học cho riêng mình. Đồng thời chúng ta cũng nên trân trọng tác phẩm nghệ thuật mà các nhà làm phim đã gửi đến. Bởi “Vừa Đi Vừa Khóc” là sự tiến bộ của phim truyền hình Việt Nam.
Hihi em cũng thích bộ phim ấy. Xem phim, em được thấy những hình ảnh, góc cạnh của thành phố mà cá nhân em qua những lần đến du lịch chưa đủ thời gian để quan sát, cảm nhận và có cảm tình. Tương tác giữa các nhân vật trong phim cũng khá giản dị, gần gũi chứ không rườm rà, bù lu bù loa như thường gặp trong một số bộ phim của Việt.